Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Để phát triển nền giáo dục nước nhà, Bác Hồ luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người đã nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Câu nói ấy của chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò to lớn của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách và phát triển con người. Những người đóng góp công sức vào sự phát triển giáo dục chính là những nhà giáo – những người giáo viên. Từ xưa đến nay nghề giáo luôn được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý bởi họ là những người dìu dắt thế hệ trẻ của đất nước. Vì vậy không phải ai cũng có thể trở thành những người thầy, người cô – những người đặt hết tâm huyết cũng như tình yêu con người, trách nhiệm lớn lao đối với lớp trẻ, với xã hội.
Qua những năm tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”,…đội ngũ nhà giáo Thủ đô ngày càng chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động rèn luyện, tu dưỡng đạo đức về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong việc dạy và học…. Nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề,thực hiện tốt kỉ cương hành chính, thực hiện quy tắc, văn hóa ứng xử tại công sở có lòng nhân ái, thương yêu học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp đã được học trò tin yêu, phụ huynh tín nhiệm, xã hội trân trọng và tôn vinh là tấm gương “Người tốt, việc tốt”. Sau đây, tôi xin được chia sẻ về một tấm gương sáng trong trường với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, giàu lòng nhiệt tình và lòng nhân ái của một giáo viên đã nhiều năm cống hiến trong sự nghiệp “trồng người”. Đây cũng là người để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi và khiến tôi phải ngưỡng mộ, học tập về cả kiến thức chuyên môn cả về nhân cách sống. Đó là cô Trần Thị Thanh Huệ ( 23/10/1968) – Hiệu phó trường Tiểu học Lĩnh Nam Quận Hoàng Mai – Hà Nội.
Tôi – Một giáo viên trẻ mới ra trường. Ngày đầu tiên đi làm, cũng giống với cảm nhận về ngày đầu tiên khai trường vậy. Đó là một buổi sáng cuối thu êm đềm, bầu trời cao trong xanh với ánh nắng vàng tươi. Cái mùa thu ở quê tôi thật đặc biệt – mùa thu miền Bắc trời se lạnh. Nhưng nó dịu ngọt và nhẹ nhàng. Quả đúng là thời điểm khiến cho người ta dễ nhớ. Tôi nao nao trong lòng những tưởng tượng ngây thơ với tâm trạng giống một đứa trẻ sắp đối diện với một sự kiện quan trọng. Lần đầu tiên tôi gặp cô Huệ, ấn tượng đầu phải nói sao nhỉ? Đó là lần cô dự giờ thẩm định tiết dạy của tôi. Cô bước vào lớp, chăm chú lắng nghe và nhìn cách tôi giảng bài với gương mặt khá nghiêm nghị. Lúc đó, tôi đã nghĩ, chắc hẳn cô rất nghiêm khắc và khó gần. Nhưng tôi đã lầm khi được tiếp xúc với cô. Cô hướng dẫn, khuyên bảo tôi từ những điều nhỏ nhất, từ kiến thức chuyên môn tới cách ứng xử trong cuộc sống. Cô chỉ ra những điều được và chưa được trong bài giảng của tôi, tôi cần nhấn giọng ra sao, giọng nói cần như thế nào để thu hút được sự chú ý của học sinh. Cô dạy tôi cách ứng xử với phụ huynh để được phụ huynh tin tưởng, yêu mến. Và điều quan trọng nhất, cô luôn nhắc tôi hãy hết lòng với những đứa trẻ của mình, cho đi rồi sẽ nhận lại được những điều xứng đáng. Tôi yêu quý, kính trọng và ngưỡng mộ cô. Cô không chỉ đơn giản là người sếp mà cô còn như người thân, là người đã giúp tôi vượt qua khó khăn những ngày đầu tới trường, giúp tôi vượt qua “khủng hoảng tuổi đi làm”, và cũng là người thắp lửa lòng yêu nghề giáo trong tôi.
Nói đến cô Trần Thị Thanh Huệ là nói đến một tấm gương người đảng viên, người cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc và có nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người, được bạn bè, đồng nghiệp và các bậc phụ huynh luôn tin tưởng, yêu mến. Có thể nói cô Huệ là một người lãnh đạo tài giỏi – người cầm lái một con thuyền đúng hướng, vững chắc. Cô luôn cố gắng lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của từng giáo viên trong trường, từ đó có cách chỉ đạo tập thể giáo viên nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ và liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp Quận.
Qua tìm hiểu, tôi được biết năm 1987, cô Trần Thị Thanh Huệ được phân công vào công tác tại trường Tiểu học Yên Sở, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Với hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, từ một cô giáo trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, đến khi trở thành cán bộ quản lí giỏi là cả quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi. Cô luôn học tập không ngừng nghỉ và với khả năng chuyên môn vững chắc, cô được phân công làm Khối trưởng khối 5 trường Tiểu học Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau nhiều nỗ lực cố gắng, từ ngày 01/01/2011 đến nay, cô đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng tại trường Tiểu học Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dù ở bất kỳ cương vị nào cô Huệ cũng tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, cùng tập thể cán bộ, giáo viên tìm giải pháp thực hiện các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của ngành. Cô luôn thực hiện đúng mọi chủ trương đường lối của Đảng, luôn làm tốt công tác phát triển Đảng trong quần chúng,thực hiện tốt kỷ cương hành chính của cán bộ công chức viên chức ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô. Luôn đi đầu, gương mẫu và tích cực vận động quần chúng tham gia phong trào thi đua của ngành, của trường được tập thể tín nhiệm, cùng tập thể CB-GV-NV xây dựng tập thể lớn mạnh, thống nhất từ các khối lớp đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường.
Trên cương vị là Hiệu phó nhà trường, tất cả các đợt học tập chính trị, học tập nghị quyết, học tập chuyên môn, nghiệp vụ trong năm học do các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức, các đợt tuyên truyền, các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn đều được cô triển khai thực hiện nghiêm túc đến 100% cán bộ đảng viên, giáo viên, nhân viên của trường. Là một cán bộ quản lý, cô luôn nhiệt tình và đi đầu trong công việc, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do trường phát động, chỉ đạo giáo viên tham gia vào các hội thi và đều có giáo viên đạt giải cao. Cô luôn gương mẫu thực hiện tốt các nội quy của nhà trường đề ra, để làm gương cho các giáo viên khác. Trong quá trình công tác hơn 30 năm, cô đã đạt được nhiều thành tích đáng nể: Danh hiệu Giáo viên dạy giỏi; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” quận Hoàng Mai,… và vô số các thành tích đáng ghi nhận mà cô nỗ lực có được.
Là một cán bộ quản lí, cô luôn quan niệm rằng an toàn của học sinh phải đặt lên hàng đầu và phải để trẻ cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Đây có lẽ là một khẩu hiệu mà cô rất tâm đắc và đưa ra như một tôn chí hướng cả thầy và trò đến một mục tiêu giảm áp lực, tạo hứng khởi cho trẻ đến trường. Với học trò, được cắp sách đến trường là một niềm vinh dự lớn, bởi lẽ, mỗi ngày đến trường sẽ học được nhiều kỹ năng từ cuộc sống mà thầy cô đã dạy dỗ, được trau dồi kiến thức trong sách vở, những kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Được đến trường là sự may mắn bởi vẫn còn rất nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn nghèo đói, không được cắp sách tới trường, không được học tập. Khẩu hiệu đó cũng chính là mục tiêu mà chính cô, giáo viên trường Tiểu học Lĩnh Nam và cả ngành Giáo dục Việt Nam đang hướng tới nhằm xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Không chỉ với giáo viên, cô còn đưa ra rất nhiều lời khuyên bổ ích với phụ huynh như : Các bác hãy hỏi : “Hôm nay, con đi học có vui không?” ; “Hôm nay, con đã làm được những điều gì có ích?” Thay vì “Hôm nay con được mấy điểm?”,…
Cô Huệ còn xác định được yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường chính là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Cô luôn chú trọng, tham mưu với Hiệu trưởng về đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy trong nhà trường, đảm bảo phục vụ các hoạt động giáo dục trẻ ở điều kiện tốt nhất. Nhờ đó, mà trường Tiểu học Lĩnh Nam luôn có được cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cô thường xuyên có kế hoạch tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để chị em trao đổi rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Động viên chị em tìm tòi, nghiên cứu thêm các tài liệu qua sách vở, mạng internet, quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cô đã động viên giáo viên học tin học, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục Thủ đô và hội nhập Quốc tế. Cô thường xuyên dự giờ thăm lớp từ đó giải đáp, làm rõ vấn đề mà giáo viên còn gặp khó khăn và cũng luôn sẵn sàng trả lời, gợi ý cho giáo viên những cách làm hay, sáng tạo trong giảng dạy. Với sự quan tâm sát sao, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời với các giờ học và hoạt động của giáo viên nên chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng cao rõ rệt. Các đợt hội giảng, thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp Quận … giáo viên đã đạt được nhiều giải cao, thành tích năm sau cao hơn năm trước. Những giờ học hay, cô tạo điều kiện để chị em dự giờ để phát huy và áp dụng rộng rãi trong trường. Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc nên mọi công việc đều được đồng chí hoàn thành đúng tiến độ và thời gian, tạo sức lan tỏa cho đội ngũ giáo viên trong trường.
Không chỉ chú trọng tới công tác chuyên môn mà cô còn luôn tinh tế trong việc tổ chức các hoạt động văn thể mỹ, ngày hội ngày lễ trong trường như: Ngày khai giảng, Tết Trung Thu, Ngày hội thắm tình thầy trò 20/11, chương trình Xuân yêu thương, Lễ Bế giảng,…. Với những hoạt động như vậy cô có kế hoạch tổ chức cụ thể, chỉ đạo hướng dẫn các lớp lựa chọn tiết mục biểu diễn, dự thi theo chủ đề, tổ chức phù hợp với điều kiện nhà trường. Các hoạt động này đều đạt kết quả tốt mà quan trọng nhất là đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng phụ huynh, học sinh và giáo viên toàn trường.
Bên cạnh công tác chuyên môn cô Huệ cũng rất chú trọng đến việc thực hiện kỷ cương hành chính, thực hiện quy tắc, văn hóa ứng xử trong trường học. Ngay từ đầu mỗi năm học đồng chí đã xây dựng quy chế thi đua khen thưởng trong nhà trường, hàng tháng có tổ chức họp bình xét thi đua trong tổ. Việc thực hiện quy tắc, văn hóa ứng xử nơi công sở được cô nghiêm túc, gương mẫu thực hiện. Cô thường xuyên phổ biến, đôn đốc, nhắc nhở kịp thời chị em giáo viên thực hiện tốt nội quy, quy chế của ngành và nhà trường đề ra.
Là một người cán bộ quản lý tận tâm với công việc không chỉ ở công tác chuyên môn mà cô còn luôn quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của từng giáo viên để họ có thể hoàn thành tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ, góp phần xây dựng nhà trường vững mạnh. Tuy bản thân là một cán bộ quản lý nhưng cô Trần Thị Thanh Huệ không hề tỏ ra xa cách giáo viên, đồng nghiệp, trái lại cô luôn hoà đồng gần gũi với mọi người. Giáo viên nào còn yếu về chuyên môn cô tận tình chỉ bảo, giúp đỡ. Những lúc có dịp rảnh rỗi cô cũng thường chuyện trò, tâm sự cùng giáo viên trong trường để có những tác động kịp thời, chia sẻ, giúp đỡ, động viên chị em. Hình ảnh một người hiệu phó luôn gần gũi, vui vẻ, nhẹ nhàng, tâm lý đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường Tiểu học Lĩnh Nam. Đối với các con học sinh trong trường thì hình ảnh cô hiệu phó là người thật gần gũi và thân thương. Những lúc dự giờ, thăm lớp cô thường dành thời gian để hỏi han, nói chuyện giao lưu với trẻ, động viên cũng như kết hợp với giáo viên đưa ra rất nhiều hoạt động lôi cuốn trẻ hơn. Không chỉ là người “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”, cô còn là người phụ nữ luôn hoà nhã với làng xóm láng giềng và được mọi người yêu mến, kính trọng.
Với hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Trần Thị Thanh Huệ đã đạt được rất nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì bên cạnh luôn có những người như cô Trần Thị Thanh Huệ và rất nhiều các đồng nghiệp khác trong trường để học tập, để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa trước mắt là cho trường Tiểu học Lĩnh Nam thân yêu, sau là cho sự nghiệp “trồng người” vĩ đại. Cô Trần Thị Thanh Huệ thật xứng đáng với danh hiệu “Người tốt, việc tốt” mà mỗi chúng ta đều phải lấy làm tấm gương sáng để học tập và noi theo.